Nộm rau dớn – món ăn dân dã của người dân Lạng Sơn
Nộm rau dớn – món ăn dân dã của người dân Lạng Sơn
- Chanh rừng Mẫu Sơn (chanh rừng sấy dẻo muối, chanh rừng ngâm muối, chanh rừng sấy dẻo đường)
- Vịt quay Thất Khê
- Thạch đen Tràng Định
- Mật ong rừng nguyên chất
- Măng ớt Lạng Sơn
- Các sản phẩm tinh dầu
- Dầu hào thượng hạng Hải Thiên
- Và các sản phẩm khác…
Rau dớn có nhiều nét tương đồng với cây bụi dương xỉ nhưng kích thước lớn hơn. Rau thường mọc ở ven suối, trên đồi, trên núi và phát triển mạnh trong những ngách đá hoặc khe núi có độ ẩm ướt cao và thiếu ánh nắng mặt trời. Thời điểm rau mọc nhiều là vào mùa xuân hằng năm. Rau dớn là loại cây thân thảo, cao trung bình 50 đến 70cm, lá rau dớn nhỏ, thuôn dài và mọc so le trên mỗi cành. Loại rau này chứa đến 86% nước và nhiều chất dinh dưỡng.
Trước đây, rau dớn là món ăn trong bữa cơm hằng ngày của bà con xã Hữu Liên. Từ khi các hộ dân trong xã bắt đầu kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm, lưu trú, món ăn từ rau dớn được đưa vào thực đơn dành cho du khách, trong đó được yêu thích và lựa chọn nhiều nhất là món nộm rau dớn.
Chị Lèo Thị Thim (sinh năm 1986), chủ homestay Rừng Xanh, thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng cho biết: Món nộm rau dớn là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm khách của gia đình chúng tôi. Đặc biệt vào mùa hè, sự thanh mát của món ăn được nhiều du khách yêu thích. Nguyên liệu chế biến món nộm rau dớn rất đơn giản, chỉ gồm rau dớn, lạc rang giã nhỏ, dấm gạo, nước mắm, đường, tỏi và ớt. Tuỳ vào độ gia giảm, nước dùng của mỗi nhà sẽ cho ra một hương vị khác nhau.
Khi làm nộm rau dớn chỉ lấy phần đọt non vì đây là phần có mùi thơm đặc trưng, độ giòn và vị ngọt nhất. Phần đọt sau khi rửa sạch với nước, để ráo nước rồi mới chần qua với nước sôi. Khi chần rau, nhất thiết phải đợi nước sôi thật già mới thả rau vào để giữ màu xanh non, vị ngọt và độ giòn của rau. Để rau trong nước sôi 1 đến 2 phút rồi vớt rau vào bát to hoặc thau nước có đá lạnh. Tiếp tục ngâm rau trong nước lạnh 3 – 5 phút rồi trộn với nước dùng gồm dấm gạo, đường, tỏi, ớt băm và lạc rang. Khi thưởng thức món nộm rau dớn, thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của loại rau này, một chút vị bùi từ lạc hòa quyện tinh tế với vị chua ngọt, xen lẫn một chút vị cay của tỏi, ớt.
Chị Phạm Thị Thanh Thuỷ, phường Trung Liệt, Hà Nội cho biết: Có dịp được đến với thảo nguyên Đồng Lâm vào tháng 4/2024, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây, tôi đặc biệt ấn tượng bởi ẩm thực phong phú trong đó có món nộm rau dớn. Nhìn rau giống một loại cỏ dại nhưng khi ăn tôi cảm nhận được hương vị rất riêng. Món nộm rau dớn được kết hợp giữa rau với nước dùng chua ngọt, chút cay của ớt, vị bùi của lạc làm tôi nhớ mãi.
Được biết, không chỉ là một món ăn ngon, rau dớn còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc của bà con sinh sống tại các tỉnh miền núi. Theo Đông y, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón và giúp làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng. Chất nhầy trong rau dớn còn giúp nhuận tràng và giảm đau lưng. Cành, lá rau dớn phơi khô có thể dùng để nấu nước uống giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.
Ngoài làm nộm, rau dớn còn có thể chế biến thành nhiều món khác như: rau dớn xào tỏi, rau dớn luộc chấm xì đầu… Vào thời điểm cuối xuân, đầu hè, rau dớn được bán khá nhiều tại các phiên chợ, đặc biệt tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, giá khoảng 5.000 – 10.000 đồng/mớ tuỳ từng thời điểm.
Mùa rau dớn sắp qua, nếu ai chưa từng thử các món ăn từ rau dớn, nhất là nộm rau dớn thì hãy đến Lạng Sơn để thưởng thức sự thơm ngon, lạ miệng mà loại rau này mang lại. Tin rằng, bất kỳ ai dù một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên.
Nguồn: Báo Lạng Sơn